image banner
Di tích ĐỒN CÒ MI ĐỌT
Anh-tin-bai

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

I .Giới thiệu chung

Đồn Cò Mi Đọt án ngữ trên quốc lộ 1, cách  Sài Gòn 20km về hướng Tây Nam, khống chế một vùng rộng lớn huyện Bến Lức. Đây là nơi ghi dấu chiến thắng của bộ đội Trung Huyện và đại đội 918 của Tiểu đoàn 306 trong trận đánh đồn Cò-Mi-Đọt vào ngày 30/03/1954.

Hiện nay di tích thuộc xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Từ Thành phố Tân An theo Quốc lộ 1A hướng về Tp. Hồ Chí Minh khoảng 20km là đến thị trấn Gò Đen, từ đây rẽ trái khoảng 500m là đến di tích.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A hướng về Tp. Tân An khoảng 30km rẻ phải khoảng 500m là đến di tích.

II. Sự kiện & nhân vật lịch sử

Tên gọi “Cò-Mi” xuất phát từ phiên âm từ Commissaire de police có nghĩa trong tiếng Pháp là cảnh sát trưởng, đồn trưởng.

Tháng 10 năm 1952, bão lụt lớn xảy ra ở các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với trung tâm là Thủ Biên (Thủ Dầu Một – Biên Hoà), chiến khu Đ với mức tàn phá chưa từng thấy kể từ sau trận bão lụt Giáp Thìn (1904). Sự đánh phá của địch cộng với thiên tai  làm cho tình thế cách mạng ở miền Đông khó khăn trăm bề, có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau ngày Nam bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Cục Miền Nam, Bộ Tư lệnh Phân liên khu Miền Đông đề ra ba nhiệm vụ chính:

+ Giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích.

+ Củng cố và mở rộng căn cứ địa, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận.

        + Phát động phong trào toàn Phân liên khu “Thi đua yêu nước, giết giặc lập công, giành giải thưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tháng 10 năm 1953, Trung ương cục chủ trương mở chiến dịch địch ngụy vận, phối hợp mùa tiến công đông – xuân 1953-1954 trên cả nước, coi đây là công tác trung tâm ở vùng du kích và vùng bị tạm chiến.

Đầu tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông –Xuân, nhiệm vụ của chiến trường Nam bộ được Trung ương xác định là “chuẩn bị đón thời cơ mới”.

Qua sửa chữa hữu khuynh, phong trào “Thi đua yêu nước, giết giặc lập công, giành giải thưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh”, thực hiện chiến dịch địch ngụy vận phối hợp mùa tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 trên cả nước, vùng Trung Huyện đã chuyển thế từ vùng du kích yếu thành vùng du kích.

Bước vào Đông – Xuân năm 1953-1954, 7 xã vùng ven phía nam Trung Huyện chuyển mạnh, các chi bộ địa phương sử dụng lực lượng tổng hợp: chính trị, vũ trang, binh vận để uy hiếp đồn bót, kêu gọi binh lính đào rã ngũ, phá tề, vô hiệu hóa bộ máy kềm kẹp của địch.

Các vùng du kích chủ yếu ở Trung Huyện trở thành vùng du kích “ngang” (trung bình) như Tân Bửu, Mỹ Yên, Phú Hiệp (Long Phú – Long Hiệp). Vùng tạm chiến lên vùng du kích như Bình Trị Đông.

Thường vụ Huyện ủy Trung Huyện họp thành lập Ban chỉ đạo của Đảng và chính quyền để thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ gồm:

- Đồng chí Nguyễn Văn Thậm (Bảy Thậm) – Bí thư Huyện ủy.

- Đồng chí Nguyễn Văn Tuôi (Sáu Tuôi) – Phó bí thư Huyện ủy.

- Đồng chí Doãn Văn Thung (Bảy Thung) – Thường vụ Huyện ủy.

- Đồng chí Nguyễn Văn Tầm – Huyện đội trưởng - ủy viên.

         - Đồng chí Tám Ngạn – Huyện ủy viên - ủy viên.

Lúc bấy giờ, Đồn - Cò - Mi Đọt do một đại đội biệt kích gian ác khét tiếng ở trong vùng Trung Huyện đang đóng giữ là một trong những đối tượng để lãnh đạo Trung Huyện nghiên cứu phương án đánh địch.

Sau khi điều nghiên cẩn thận, Ban chỉ đạo và Thường vụ Huyện uỷ quyết định tổ chức trận đánh tiêu diệt đồn Cò - Mi - Đọt bằng lực lượng bộ đội địa phương Trung Huyện cùng với quân dân du kích và nhân dân có sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng.

Kế hoạch đánh chiếm đồn Cò - Mi - Đọt được Thường vụ Huyện uỷ lên kế hoạch rất cẩn thận trong thời gian gần 1 tháng và được chia thành 3 mũi như sau:

 Lực lượng trực tiếp đánh Đồn Cò - Mi - Đọt gồm bộ đội Trung Huyện và Đại đội 918 của Tiểu đoàn 306 do đồng chí Đặng Văn Khương - chỉ huy trưởng và đồng chí Minh - chỉ huy phó.

 Lực lượng chặn viện từ Sài Gòn về Gò Đen gồm 200 dân quân du kích các xã Long Hiệp, Tân Bửu, Thanh Hà và Tân Tạo do đồng chí Nguyễn Văn. Tầm - Huyện đội trưởng chỉ huy. Ta tổ chức phục kích tại cầu Bình Điền, phòng ngừa khi có biến địch điều quân từ Sài Gòn về tiếp ứng Gò Đen.

          Lực lượng chặn viện từ Miền Tây lên Gò Đen gồm 150 dân quân du kích của xã Mỹ Yên, Long Phú và Phước Lợi do đồng chí Sáu Trầm - Huyện đội phó chỉ huy, điểm chặn dưới dốc cầu Bến Lức.

Để đảm bảo bí mật, các đơn vị lực lượng vũ trang ém quân ở rừng tràm kênh Bà Vụ. Theo hợp đồng tác chiến, lực lượng đánh đồn xuất quân lúc trời vừa sụp tối và tập kết lúc trời rạng sáng. Vì đồn bót xung quanh khá dày đặc, đường xa, lại phải chiến đấu rất phức tạp, khó khăn nên thời gian hành quân và đánh đồn đã được tính toán rất kỹ. Chiều ngày 29/3/1954, vào khoảng 18 giờ đơn vị xuất rời rừng tràm Bà Vụ. Lúc này trời bắt đầu mưa, có lúc mưa rất to nặng hạt quất vào rát cả mặt. Cơn mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, các chiến sĩ rất khó khăn khi hành quân qua những đoạn đường trơn trợt. Nhưng những trở ngại về thời tiết, địa hình không thể ngăn cản ý chí quyết tâm đánh địch của các chiến sĩ. Đêm hôm đó, đơn vị vượt sông Chợ Đệm ngang Tân Bửu tiến về hướng xã Mỹ Yên bám theo lộ Đông Dương (nay là quốc lộ 1A), nơi tuyến đường sắt chạy cặp song song từ Sài Gòn đi Mỹ Tho. Đơn vị băng qua đường sắt rồi cặp theo đó tiến vào trận địa của địch đang đồn trú.

Đội hình tập kết theo hàng dọc đối diện với cửa đồn chờ lệnh. Hai tổ xung kích đi đầu gồm đồng chí Minh, Lợi và Bực thuộc đại đội 918 nằm trên mé đường sắt theo dõi.

 Đến khoảng 0 giờ 45 phút, lực lượng đánh đồn đến được trận địa, trong đồn 4 lô cốt đèn pha quét sáng liên tục, đồng chí Minh- chỉ huy phó nhắc nhở tổ đặc công: chỗ đó là cửa mở, khi nổ súng phải lập tức đến trước, còn gì trở ngại thì phá cho đội xung kích vào.

Khoảng 01 giờ đêm ngày 29 rạng sáng ngày 30/03/1954, lực lượng bộ đội

Trung Huyện và Đại đội 918 dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Văn Khương ( Sáu Thượng) đã bao vây đồn Cò - Mi - Đọt. Được sự nội ứng của ba binh lính trong.

Đồn (bộ ba nội ứng là Đội Kỵ, Đội Đức và Mười  Kiều-Lê Văn Kiều), ba đặc công của ta vào đồn đặt bộc phá một cách thuận lợi, đồng thời bộ đội ta đã tiến sát cửa đồn. Bộc phá nổ phá tung hàng rào cổng chính và lô cốt phía bên trái. Khi bộc phá nổ, đồn mở nhưng còn sót lại một hàng rào lằng nhằng dây thép gai. Bộ đội ta dùng mã tấu khắc phục và xung phong vào trung tâm đồn. Hai khẩu trung liên của Đại đội 918 nhanh chóng được bắt lên bờ thành áp chế tầng trên đồn Cò - Mi - Đọt, bộ đội Trung Huyện nổ súng yểm trợ phía sau. Trận đánh diễn ra theo chiến thuật nở hoa trong lòng địch, từ trung tâm đồn các mũi xung kích đánh tủa ra các nhà lính ở bốn phía.  

Bị công đồn bất ngờ và chớp nhoáng nên địch hoang mang mất tinh thần chỉ chống trả một cách yếu ớt. Bọn địch lớp chạy trốn, lớp đầu hàng, một số tên chạy ra bờ thành bám vào lỗ châu mai bắn ra bên ngoài bị quân ta khống chế bằng mã tấu nên đều giơ tay hàng. Lúc này tổ của đồng chí Nguyễn Văn Bực tiến về góc bên phải khu đồn nơi tiểu đội lính Miên gian còn khá đông.

 Trước tình thế đó quân ta đánh tiếp quả bộc phá làm sập căn nhà. Địch kinh sợ nên nhanh chóng ra hàng, đây cũng là những tên lính cuối cùng trong đồn đầu hàng.

Trận công đồn Cò-Mi-Đọt của bộ đội Trung Huyện và Đại đội 918 của Tiểu đoàn 306 đã thắng lợi giòn giã. Ta diệt 40 tên địch, bắt sống 60 tên, phá hủy 3 xe, thu trên 200 súng. Sau trận đánh có đồng chí Nguyễn Văn Không - bộ đội Trung Huyện và 7 chiến sĩ bị thương. Quân ta toàn thắng, tiêu diệt hoàn toàn đồn Cò-Mi-Đọt.

III. Kết luận

Chiến thắng của trận đánh đồn Cò -  Mi -  Đọt thể hiện tinh thần quyết tâm, kiên cường và dũng cảm của quân và dân Bến Lức trong đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược. Đây cũng là bằng chứng của tinh thần yêu nước nồng nàn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương trước kẻ thù hung bạo gấp nhiều lần của quân dân ta.

 Trận đánh đã góp phần cùng với cả nước chia lửa với chiến trường chính chống Pháp khi Bộ đội chủ lực mở trận quyết chiến với quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và đây cũng là trận đánh cuối cùng của bộ đội Trung Huyện và Đại đội 918 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.

 

 

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh